NĐ 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

NĐ số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu vừa được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/08/2014.

Cùng với Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP sẽ tạo khung pháp lý đồng bộ, minh bạch và thống nhất chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước. Theo đó, Nghị định 63 gồm 15 Chương với 130 Điều (112 trang A4).

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định 63 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 của Luật Đấu thầu. Đối với việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí quy định tại Khoản 4 Điều 1 của Luật Đấu thầu áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu, trừ việc lựa chọn nhà thầu liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.

Điều 1 của Nghị định 63 cũng nêu rõ, trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có quy định việc áp dụng thủ tục lựa chọn nhà thầu thì thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 của Luật Đấu thầu. Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt thực hiện theo quy định của Nghị định 63. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế không có quy định về việc áp dụng thủ tục lựa chọn nhà thầu, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 63.

Theo quy định tại Điều 129 (Hướng dẫn thi hành) của Nghị định 63 thì đối với những gói thầu đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu nhưng đến ngày 01/07/2014 chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nếu không phù hợp với Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu.

Đối với hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành trước ngày 01/07/2014 thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 12/09/2012 của Chính phủ, Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 09/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư liên quan.

Trong thời gian từ ngày 01/07/2014 đến ngày Nghị định 63 có hiệu lực thi hành, việc triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Trong thời gian Nghị định 63 chưa có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan, nhưng bảo đảm không trái với quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Và kể từ ngày Nghị định 63 có hiệu lực thi hành, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 9/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hết hiệu lực thi hành.

Đối với việc mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định 63 nêu rõ, việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đặt hàng, giao kế hoạch được thực hiện theo quy định tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP; các hình thức lựa chọn nhà thầu khác được thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định 63.

Theo các chuyên gia, việc ban hành Nghị định 63 sẽ là cơ sở để chấm dứt mọi chồng chéo về pháp luật trong đấu thầu. Trước đây, do có quá nhiều văn bản cùng quy định về đấu thầu, dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo và thiếu thống nhất trong các quy định của Nhà nước đối với công tác đấu thầu nên cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng chịu sự chi phối, ảnh hưởng trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật về đấu thầu. Và kể từ ngày Nghị định 63 có hiệu lực thi hành (15/08/2014), việc triển khai lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định 63. Đây chính là điều mong mỏi mà cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi bấy lâu nay.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà thầu, giảm bớt các thủ tục hành chính trong đấu thầu, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu với nhiều quy định mới đã góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho nhà thầu.

Nhà thầu không cần thông báo nếu thay đổi tư cách tham dự thầu

Trước đây, nhà thầu muốn tham dự thầu thì phải liên hệ với bên mời thầu/chủ đầu tư để mua hồ sơ mời thầu (hồ sơ mời thầu), thậm chí là phải làm các thủ tục để đăng ký rồi mới được mua hồ sơ mời thầu. Và trong “trường hợp nhà thầu cần thay đổi tư cách (tên) tham gia đấu thầu so với khi mua hồ sơ mời thầu thì phải thông báo bằng văn bản tới bên mời thầu” (Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP). Trên thực tế, đã có nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu “vin” vào các quy định này để “hành” nhà thầu trong quá trình mua hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Đó là chưa kể đến trường hợp các chủ đầu tư/bên mời thầu “vẽ” thêm các thủ tục hành chính cho nhà thầu nếu muốn mua hồ sơ mời thầu như: yêu cầu nhà thầu phải cung cấp hồ sơ năng lực, phải có tên trong danh sách nhà thầu đăng ký mua hồ sơ mời thầu…

Còn theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, tại Điểm d Khoản 3 Điều 14 quy định: “Bên mời thầu phải tiếp nhận HSDT của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận hồ sơ mời thầu trực tiếp từ bên mời thầu. Trường hợp chưa mua hồ sơ mời thầu thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán hồ sơ mời thầu trước khi HSDT được tiếp nhận”. Như vậy, với quy định này, những nhà thầu chưa mua, chưa kịp mua hồ sơ mời thầu vẫn được nộp HSDT và tham gia đấu thầu bình thường, bình đẳng như các nhà thầu đã mua hồ sơ mời thầu trước đó. Đối với những nhà thầu đã mua hồ sơ mời thầu, trong quá trình chuẩn bị HSDT, sau khi đọc kỹ hồ sơ mời thầu, nếu thấy cần thay đổi tư cách tham gia đấu thầu so với khi mua hồ sơ mời thầu thì không phải thông báo bằng văn bản tới bên mời thầu.

Nhà thầu được kiến nghị trực tiếp lên chủ đầu tư

Theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 73 của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 thì “Bên mời thầu có trách nhiệm giải quyết kiến nghị trong đấu thầu của nhà thầu trong thời hạn tối đa là năm ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn của nhà thầu. Trường hợp bên mời thầu không giải quyết được hoặc nhà thầu không đồng ý với giải quyết của bên mời thầu thì nhà thầu được quyền gửi đơn đến chủ đầu tư để xem xét, giải quyết…”. Tại Điều 92 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định: “Nhà thầu được gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung…”. Như vậy, so với quy định của pháp luật về đấu thầu trước đây thì quy định hiện hành cho phép nhà thầu được kiến nghị trực tiếp lên chủ đầu tư mà không gửi kiến nghị đến bên mời thầu. Riêng đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung, trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu là bên mời thầu (vai trò tương đương như chủ đầu tư của dự án).

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, hạn mức chào hàng cạnh tranh được quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP là 5 tỷ đồng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cao hơn 2,5 lần so với hạn mức quy định trong Nghị định số 85/2009/NĐ-CP. Với quy định nới hạn mức chào hàng cạnh tranh mới sẽ giúp chủ đầu tư, bên mời thầu thuận lợi hơn trong việc áp dụng hình thức này, đồng thời góp phần đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thông dụng và đặc biệt là sẽ hạn chế được tối đa việc áp dụng hình thức chỉ định thầu. Theo đó, khi thực hiện những gói thầu thông dụng, chủ đầu tư, bên mời thầu có thể lựa chọn áp dụng chào hàng cạnh tranh mà không phải thực hiện đấu thầu rộng rãi và quy trình chào hàng cạnh tranh thì thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn nhiều so với quy trình thực hiện đấu thầu rộng rãi, hơn nữa trong chào hàng cạnh tranh còn cho phép được áp dụng cả hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn thì thủ tục lại càng đơn giản. Vì thế, các thủ tục hành chính trong quá trình tham dự thầu của nhà thầu cũng sẽ được giảm tối đa.

Các chuyên gia nhìn nhận, với nhiều quy định mới của pháp luật về đấu thầu hiện hành, các thủ tục hành chính trong đấu thầu đã được giảm thiểu, nhà thầu gần như được hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính so với các quy định trước đây. Những quy định mới này có sự đúc rút kinh nghiệm của thực tiễn đấu thầu tại Việt Nam thời gian qua và tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm tốt của quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… Vì thế, các khâu trong quy trình lựa chọn nhà thầu đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác cũng như hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu.

 
TƯ VẤN PHẦN MỀM
Đỗ Sơn
0902 212 248
Thu Thủy
0915 032 230

Nguyễn Huệ
0914 652 008
Phạm Tôn
0375 73 6689
TƯ VẤN CHUYÊN MÔN XD
Ths. Tạ Thu Thủy
0915 032 230